Lịch sử Vinacafe

Nhà máy cà phê Coronel

Năm 1969, một nghiệp chủ người Pháp là Marcel Coronel, có vợ người Việt là bà Trần Thị Khánh, đã cho khởi công xây dựng Nhà máy Cà phê Coronel tại Khu Kỹ nghệ Biên Hòa với mục đích giảm thiểu chi phí vận chuyển cà phê về Pháp.

Nhà máy được thiết kế với công suất sản xuất 80 tấn cà phê hòa tan/năm, với toàn bộ các máy móc thiết bị được nhập khẩu từ Đức, là nhà máy chế biến cà phê hòa tan đầu tiên trong toàn bộ khu vực các nước Đông Dương. Tuy nhiên, cho đến tận năm 1975, nhà máy vẫn chưa chạy thử thành công do máy móc, thiết bị không đồng bộ, lao động kỹ thuật tại Việt Nam còn thiếu và hoàn cảnh chiến tranh đang đến hồi ác liệt.

Nhà máy cà phê Biên Hòa

Sau tháng 4 năm 1975, Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam quốc hữu hóa Nhà máy Cà phê Coronel. Sau khi Việt Nam thống nhất, Nhà máy Cà phê Coronel được đổi tên thành Nhà máy Cà phê Biên Hòa và được giao cho Tổng cục Công nghệ Thực phẩm quản lý.

Sau khi tiếp nhận nhà máy, các kỹ sư Việt Nam đã tìm cách khắc phục sự thiếu đồng bộ và đưa vào vận hành thành công dây chuyền sản xuất cà phê hòa tan. Tháng 4 năm 1977, mẻ cà phê hòa tan đầu tiên ra lò, đánh dấu cột mốc quan trọng: Việt Nam sản xuất thành công cà phê hòa tan. Một năm sau đó, theo Nghị Định thư Việt Nam ký kết với các nước trong khối Xã hội Chủ nghĩa về hàng đổi hàng, từ 1978, Nhà máy Cà phê Biên Hòa bắt đầu xuất khẩu cà phê hòa tan đến Liên Xô và các nước Đông Âu.

Năm 1982, Nhà máy Cà phê Biên Hòa được chuyển cho Bộ Công nghiệp Thực phẩm quản lý, là thành viên của Liên hiệp các xí nghiệp sữa - cà phê - bánh kẹo. Đến năm 1992, Nhà máy lại tách khỏi Liên hiệp các xí nghiệp sữa - cà phê - bánh kẹo, trở thành doanh nghiệp nhà nước độc lập, do Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm trực tiếp quản lý.

Cũng trong thời gian này, sau khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa giao thương với phương Tây, gia đình Marcel Coronel - Trần Thị Khánh có vài lần xin phép nhận lại nhà máy cà phê hòa tan của mình nhưng không thành công do không thể tháo rời máy móc, thiết bị cũ để mang đi nơi khác, trong khi chi phí bảo quản trong thời gian dài mà các cơ quan quản lý của Việt Nam đưa ra là rất lớn.

Năm 1998, Nhà máy xây dựng thêm một dây chuyền sản xuất cà phê hòa tan công nghệ sấy phun. Dây chuyền này có công suất thiết kế 800 tấn cà phê hòa tan/ năm, lớn gấp 10 lần Nhà máy cà phê Coronel cũ.

Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa

Ngày 29 tháng 12 năm 2004, Nhà máy cà phê Biên Hòa chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần. Do thương hiệu Vinacafé đã nổi tiếng tại Việt Nam và được nhiều khách hàng nước ngoài biết đến, các cổ đông sáng lập (hầu hết là những người của Nhà máy Cà phê Biên Hòa) đã đặt tên mới cho công ty là Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa, tên viết tắt là Vinacafé Biên Hòa.

Đến ngày 20 tháng 12 năm 2013, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam - cổ đông Nhà nước lớn nhất tại Vinacafe đã bán lại phần lớn cổ phiếu tại Vinacafe của mình. Hiện nay, 90% cổ phần của Vinacafe Biên Hòa nằm trong ba tổ chức là Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) với 53,2%, sau đó là Quỹ Gaoling (Gaoling Fund) (23,3%) và Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (12,8%).[1]

Liên quan